Nhiễm trùng đường tiểu: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Ngày viết: 03/10/2024 - Cập nhật ngày 03/10/2024.

Nhiễm trùng đường tiểu là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất, đặc biệt là ở phụ nữ. Thống kê cho thấy, nữ giới có tỷ lệ mắc nhiễm trùng đường tiểu cao gấp đôi nam giới. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây những biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu về bệnh nhiễm trùng đường tiểu qua bài viết này nhé.

nhiem trung duong tieu la gi

Nhiễm trùng đường tiểu là bệnh gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

1. Nhiễm trùng đường tiểu là gì?

Bệnh nhiễm trùng đường tiểu hay còn gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thường gặp nhất ở phụ nữ, chiếm gần 25% tổng số các bệnh nhiễm trùng. Khoảng 50-60% phụ nữ sẽ mắc nhiễm trùng đường tiểu ít nhất 1 lần trong đời. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, nhân lên và gây viêm nhiễm. Nguồn lây bệnh thường từ ruột hoặc phân rồi đi vào niệu đạo.

Đường tiết niệu gồm bể thận, các niệu quản (dẫn nước tiểu đi từ thận đến bàng quang) và bàng quang nơi đựng nước tiểu. Vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiểu gồm viêm thận – bể thận và viêm bàng quang. Viêm thận – bể thận là một tình trạng nghiêm trọng ở trẻ em và có thể dẫn đến sẹo thận, tăng huyết áp và gây suy thận ở giai đoạn sau này.

nhiem trung tieu

Giải mã nhiễm trùng đường tiểu

Hầu hết nhiễm trùng đường tiểu thường chỉ liên quan đến niệu đạo và bàng quang, ở phần dưới hệ tiết niệu. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể liên quan đến niệu quản và thận, ở phần hệ tiết niệu trên. 

2. Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiểu

Vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) trong hệ tiêu hóa là thủ phạm chính gây ra 80% trường hợp bệnh. Ngoài ra, bệnh còn do vi khuẩn Staphylococcus saprophyticus (5-15% trường hợp), Chlamydia trachomatis, Proteus và Mycoplasma hominis. Hiếm hơn là các vi khuẩn bệnh viện, nấm, virus… Nam giới và phụ nữ nếu nhiễm Chlamydia trachomatis hay Mycoplasma hominis đều có thể truyền vi khuẩn này cho bạn tình trong khi quan hệ.

Nhiễm trùng đường tiểu xuất hiện điển hình khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu nhân lên ở bàng quang. Thông thường, đường tiết niệu có những đặc tính để chống lại sự nhiễm trùng thông qua ức chế sự phát triển của vi khuẩn và loại bỏ những tác nhân gây bệnh đó. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn vào đường tiết niệu, lưu trú và nhân lên cho đến khi gây ra nhiễm trùng thực sự.

nhiem trung duong tieu nguyen nhan tu dau

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiểu

Các chuyên gia cho biết, nhiễm trùng đường tiểu là bệnh lý nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em, đứng thứ ba sau các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa. Theo nghiên cứu tại Bệnh Viện Nhi Trung Ương (2016), tỷ lệ nhiễm trùng đường tiểu trên trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi khi đến khám là 11,6%. Tuổi mắc hay gặp nhất trẻ < 2 tuổi chiếm 65%, tỷ lệ trẻ gái gặp 67,5% cao hơn trẻ trai 32,5% (p < 0,05). Ba tháng mùa hè (tháng 4,5,6) có tỷ lệ bệnh nhân cao nhất chiếm 45,2%. Triệu chứng lâm sàng kết hợp hay gặp nhất là rối loạn tiêu hóa 60%. Tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và dứt điểm, bệnh có thể tái phát nhiều lần, gây biến chứng như áp xe quanh thận, nhiễm trùng huyết…

Nhiễm trùng đường tiểu chính là nguyên nhân tại sao các bé gái thường được dặn dò phải vệ sinh sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Bởi vì niệu đạo – ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài, nằm gần hậu môn. Vi khuẩn từ ruột già như E. coli có điều kiện thuận lợi để tấn công từ niệu đạo vào hậu môn. Từ đó, chúng có thể đi ngược dòng lên bàng quang, và nếu không điều trị kịp thời, vi khuẩn sẽ tấn công vào hai quả thận. Phụ nữ dễ mắc nhiễm trùng đường tiểu hơn bởi vì họ có niệu đạo ngắn hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn lên bàng quang nhanh hơn. Quan hệ tình dục cũng góp phần đưa vi khuẩn vào đường tiết niệu.

Đăng ký tư vấn nhiễm trùng đường tiểu ngay tại đây để được tư vấn miễn phí!

tu van cho toi

3. Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu

Bệnh nhiễm trùng đường tiểu có thể có hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chỉ ra và xếp chúng vào các nhóm triệu chứng sau:

3.1. Các triệu chứng phổ biến

Bệnh nhân cảm thấy đau rát, tiểu buốt, khó chịu mỗi khi đi tiểu: Khi bị nhiễm trùng đường tiểu, các mô đường tiết niệu, nơi mà vi khuẩn xâm nhập vào sẽ bị viêm và trở nên rất nhạy cảm, do đó khi nước tiểu đi qua các mô này sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy đau và nóng rát.

Tiểu nhiều lần: Bệnh nhân đi tiểu thường xuyên và có cảm giác buồn tiểu ngay sau đó. Nhưng lượng nước tiểu rất ít và ngắt quãng.

Đau vùng bụng dưới: Đây được coi là dấu hiệu cảnh báo sớm bàng quang của bệnh nhân đang bị viêm nhiễm. Đôi khi bệnh nhân sẽ cảm thấy đau âm ỉ hoặc chuột rút.

Nước tiểu đục, có mùi hôi: Nước tiểu của người khỏe mạnh không có vấn đề gì về sức khỏe thường không mùi. Trong một số trường hợp chỉ có mùi amoniac nhẹ. Khi bị nhiễm trùng tiểu, bệnh nhân sẽ thấy nước tiểu có mùi hôi hoặc mùi khác kèm theo nước tiểu đục.

3.2. Triệu chứng ở nam giới

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu ở nam giới thường gặp đó là:

  • Khó tiểu, cảm thấy đau, nóng rát khi đi tiểu.
  • Bí tiểu.
  • Thường có cảm giác bị áp lực gần bàng quang.
  • Tiểu gấp, tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu mỗi lần ít.
  • Nước tiểu đục, có mùi hôi.
  • Đôi khi tiểu ra máu.
  • Đau vùng mạn sườn.
  • Có thể kèm sốt, ớn lạnh.
  • Tiết dịch lạ từ dương vật.
  • Thỉnh thoảng bị nôn, buồn nôn….

3.3. Triệu chứng ở nữ giới

Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu ở nữ giới phải kể đến như:

  • Chị em đi tiểu rất nhiều lần trong ngày, hay có cảm giác buồn tiểu nhưng lượng tiểu thường rất ít, hay đi tiểu vào ban đêm, đau tức bụng dưới, nhất là khi đi tiểu. 
  • Tiểu buốt hoặc có cảm giác nóng rát khi tiểu. 
  • Nước tiểu khai nồng, có màu đặc, nguy hiểm hơn là nước tiểu có máu. 
  • Đau vùng thắt lưng. 
  • Khi bệnh tiến triển, chị em còn có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng như sốt, ớn lạnh, buồn nôn. 

nhiem trung duong tieu nguyen nhan va cach khac phuc

3.4. Triệu chứng ở người cao tuổi

Người cao tuổi bị viêm đường tiểu thường có các dấu hiệu điển hình sau:

  • Tiểu nhiều lần. 
  • Tiểu khó (buồn tiểu nhưng không tiểu được).
  • Tiểu đau, buốt khó chịu.
  • Nước tiểu đục hoặc màu hồng lẫn máu
  • Sốt kèm đau bụng.
  • Đái rắt.

4. Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu

Để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm như:

Phân tích nước tiểu

Sau khi lấy mẫu nước tiểu của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành phân tích tế bào bạch cầu, hồng cầu hoặc vi khuẩn. Người bệnh cần lau bộ phận sinh dục bằng giấy sát trùng và lấy nước tiểu giữa dòng để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác.

Cấy nước tiểu

Bước này có thể được thực hiện sau khi phân tích nước tiểu, giúp bác sĩ biết được loại vi khuẩn nào đang gây nhiễm trùng, loại thuốc điều trị hiệu quả nhất là gì.

Chẩn đoán hình ảnh đường tiết niệu

Nếu tình trạng nhiễm trùng đường tiểu diễn ra thường xuyên và bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân là do bất thường trong cấu trúc của đường tiết niệu, người bệnh có thể được chỉ định siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để làm rõ nguyên nhân.

Nội soi bàng quang

Bác sĩ sẽ sử dụng một ống dài, mỏng và có thấu kính để quan sát bên trong niệu đạo, bàng quang của người bệnh để có chẩn đoán chính xác nhất.

5. Cách điều trị nhiễm trùng đường tiểu

Các phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiểu sẽ phụ thuộc vào mức độ viêm nhiễm.

5.1. Tình trạng nhiễm trùng đường tiểu đơn giản

Các loại thuốc thường được khuyên dùng bao gồm:

  • Trimethoprim / sulfamethoxazole (Bactrim, Septra…)
  • Fosfomycin (Monurol)
  • Nitrofurantoin (Macrodantin, Macrobid)
  • Cephalexin (Keflex)
  • Ceftriaxone

nhiem trung duong tieu nguyen nhan tu dau

Điều trị nhiễm trùng đường tiểu bằng thuốc

Thông thường, các triệu chứng viêm sẽ giảm rõ rệt sau vài ngày kể từ khi người bệnh được điều trị. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, người bệnh nhiễm trùng tiểu có thể phải tiếp tục dùng thuốc trong một tuần hoặc có thể dài hơn.

Đối với tình trạng nhiễm trùng tiểu không biến chứng xảy ra khi người bệnh đang khỏe mạnh, bác sĩ có thể kê một liệu trình kháng sinh từ 1-3 ngày.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm thuốc giảm đau để giảm khó chịu cho người bệnh khi đi tiểu.

5.2. Tình trạng nhiễm trùng đường tiểu thường xuyên

Trong trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng tiểu nhiều lần, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị chuyên biệt như:

  • Dùng kháng sinh liều thấp trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn.
  • Nếu nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiểu liên quan đến hoạt động tình dục, bác sĩ có thể kê một liều kháng sinh duy nhất sau khi quan hệ cho người bệnh sử dụng.
  • Trong trường hợp mãn kinh, liệu pháp estrogen là giải pháp được sử dụng nhiều nhất.

5.3. Tình trạng nhiễm trùng đường tiểu nặng

Đối với người bệnh nhiễm trùng đường tiểu nặng, có thể cần điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh nói trên và tiêm tĩnh mạch tại bệnh viện. Vì vậy, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu nào người bệnh nên đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn.

6. Một số biến chứng khi không điều trị kịp thời

Khi được điều trị kịp thời và đúng cách, nhiễm trùng đường tiểu hiếm khi dẫn đến biến chứng. 

Ngược lại, trong trường hợp nhiễm trùng tiểu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không hiệu quả có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Nhiễm trùng tái phát, đặc biệt dễ gặp ở nữ giới có tần suất nhiễm bệnh từ 2 lần trở lên trong 6-12 tháng.
  • Nếu không được điều trị, nhiễm trùng tiểu có thể gây nên nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mãn tính khiến thận của người bệnh bị tổn thương vĩnh viễn.
  • Nhiễm trùng tiểu khi mang thai là tình trạng bệnh lý nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm bể thận ở mẹ, nguy cơ sảy thai, sinh non, em bé nhẹ cân, nhiễm khuẩn sơ sinh…
  • Trẻ sơ sinh bị nhẹ cân.
  • Ở nam giới, nhiễm trùng tiểu có thể gây hẹp niệu đạo.
  • Nhiễm trùng huyết hoặc tử vong nếu thận bị viêm.

7. Cách phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu

Nhiễm trùng đường tiểu là căn bệnh rất phổ biến nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn. Tuy nhiên, một vài thay đổi có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh như:

  • Khuyến khích uống nhiều nước (6-8 cốc mỗi ngày), điều này giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu và cũng làm giảm nguy cơ táo bón.
  • Nên đi tiểu thường xuyên, tuyệt đối không nhịn tiểu bởi vì dễ làm vi khuẩn phát triển hơn.
  • Tránh dùng bia, rượu hay thức uống chứa nhiều caffeine vì có khả năng kích thích bàng quang.
  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, dùng khăn sạch để lau từ trước ra sau khi đi tiểu.
  • Tắm bằng vòi hoa sen, hạn chế tắm bồn.
  • Phụ nữ nên cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn mua băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san.
  • Nếu bạn sử dụng màng ngăn âm đạo, bao cao su không có nhãn hoặc thạch diệt tinh trùng để tránh thai, hãy cân nhắc chuyển sang phương pháp khác. Tất cả có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.
  • Tránh dùng nước hoa lên bộ phận sinh dục.
  • Ưu tiên chọn đồ lót làm bằng vải cotton thoáng mát, tránh vật liệu tổng hợp, bởi vì nó thúc đẩy một môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển.
  • Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục. Nên đi tiểu sau khi quan hệ, việc này giúp đào thải những mầm bệnh trước khi chúng kịp vào bàng quang.

Nhiễm trùng đường tiểu là một bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở phụ nữ. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Để phòng ngừa bệnh, bạn nên uống đủ nước, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đi tiểu khi có nhu cầu và đi khám sức khỏe định kỳ. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm sẽ giúp bạn nhanh chóng khỏi bệnh và tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về nhiễm trùng đường tiểu, hãy liên hệ với chúng tôi theo hotline 087 658 8866 để được giải đáp sớm nhất hoặc để lại bình luận phía dưới nhé

Bài viết này có hữu ích không?

    ĐĂNG KÝ THÔNG TIN TƯ VẤN

    Khách hàng đăng ký vui lòng gửi chính xác thông tin để nhà thuốc liên hệ tư vấn trực tiếp!

    Các bài viết khác

    Chưa có bình luận nào.

    Gửi ý kiến của bạn