Nhiều bậc cha mẹ chủ quan nghĩ rằng viêm đường tiết niệu chỉ xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên, 8% bé gái và 2% bé trai bị nhiễm trùng đường tiết niệu khi lên 5 tuổi. Vậy nguyên nhân viêm đường tiết niệu ở trẻ là gì? Các dấu hiệu và cách điều trị sẽ như thế nào? Cha mẹ nên làm gì để phòng viêm đường tiết niệu ở trẻ? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Viêm đường tiết niệu ở trẻ em cha mẹ cần phải chú ý
1. Viêm đường tiết niệu ở trẻ là gì?
Viêm đường tiết niệu ở trẻ là hiện tượng vi khuẩn từ da hoặc phân của trẻ xâm nhập vào đường tiết niệu và phát triển thành bệnh. Các loại vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiết niệu như:
- Thận: Nơi lọc chất thải và nước dư thừa ra khỏi máu để tạo thành nước tiểu.
- Niệu quản: Vị trí dẫn nước tiểu từ thận vào bàng quang.
- Bàng quang: Nơi lưu trữ nước tiểu.
- Niệu đạo: Đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể.
Trong đó, các bé gái có nguy cơ viêm đường tiết niệu cao hơn bé trai do có niệu đạo ngắn hơn, nên vi khuẩn từ hậu môn có thể dễ dàng xâm nhập vào âm đạo và niệu đạo.
2. Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu ở trẻ
Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu ở trẻ là gì? Trẻ em có hệ miễn dịch khá non nớt nên rất dễ mắc bệnh, trong đó có nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Được biết, vi khuẩn đường ruột là tác nhân chủ yếu gây ra tình trạng viêm đường tiết niệu. Thông qua phân và da vi khuẩn sẽ xâm nhập vào đường tiết niệu của trẻ và dần dần hình thành bệnh viêm đường tiết niệu.
Bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ nguyên nhân do đâu
Ngoài ra, cũng có một số nguyên nhân khác dẫn đến viêm đường tiết niệu ở trẻ như:
- Bé trai bị hẹp bao quy đầu: Hẹp bao quy đầu khiến vi khuẩn, nước tiểu… dễ ứ đọng lại, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm khuẩn tiết niệu. Đặc biệt, việc vệ sinh vùng kín cho bé trai chưa được nhiều bậc phụ huynh chú ý.
- Hệ tiết niệu của bé có các dị tật bẩm sinh. Đối với các bé trai, điều này gây ra tình trạng ứ đọng nước tiểu và gây viêm đường tiết niệu.
- Trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến suy giảm hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch bị suy giảm, các vi khuẩn có hại dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Từ đó, nguy cơ mắc các bệnh về viêm nhiễm cũng tăng cao. Và viêm đường tiết niệu là một trong những bệnh điển hình.
- Trẻ đang mắc các bệnh về hệ tiết niệu như: sỏi bàng quang, sỏi niệu thận… Đây là một trong số các điều kiện khiến viêm đường tiết niệu ở trẻ hình thành.
- Việc cha mẹ vệ sinh không đúng cách khiến không loại bỏ hết các chất bẩn còn sót lại, đặc biệt là ở bộ phận sinh dục. Điều này là cơ hội để các vi khuẩn xâm nhập vào đường niệu đạo và gây nhiễm khuẩn.
- Nhiều trẻ nhỏ có thói quen nhịn tiểu hay uống quá ít nước rất có nguy cơ cao mắc nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Đăng ký tư vấn miễn phí tại đây
3. Dấu hiệu viêm đường tiết niệu ở trẻ
Khi thấy trẻ có các biểu hiện dưới đây, cha mẹ không nên chủ quan cho rằng đó là dấu hiệu bình thường ở trẻ, rất có thể bé đã mắc viêm đường tiết niệu:
- Rối loạn tiểu tiện: Trẻ sẽ cảm thấy đái khó, đái buốt, đái rắt, khi đi tiểu phải rặn, trẻ đái nhiều về đêm, lượng nước tiểu thải ra có màu trắng đục (có nhiều khi trẻ đái toàn ra mủ trắng), nước tiểu có nhiều cặn lắng đọng, mùi khai hoặc nặng mùi hơn bình thường. Trẻ có thể la hét khi đái, bài tay có mùi khai do chạm nhiều vào cơ quan sinh dục.
- Sốt nhẹ hay sốt cao: Ở trẻ nhiễm trùng đường tiểu dưới (viêm bàng quang ở trẻ) thường không sốt hoặc sốt nhẹ. Trái lại, nhiễm trùng đường tiểu trên (viêm thận bể thận) thường sốt cao liên tục trên 39 độ, thân nhiệt khó hạ, nhiệt độ chỉ hạ khi được điều trị kháng sinh thích hợp.
- Rối loạn tiêu hóa: Trẻ viêm đường tiết niệu có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, điển hình là trẻ nôn và tiêu chảy.
- Trẻ có thể biếng ăn, kém chơi và hay quấy khóc hơn bình thường…
4. Viêm đường tiết niệu ở trẻ không chữa trị kịp thời có bị sao không?
Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ nhỏ được đánh giá là khá dễ điều trị. Tuy nhiên, cần phải phát hiện sớm và đưa trẻ đi điều trị kịp thời, đúng cách. Cũng vì các dấu hiệu của bệnh thường khó phát hiện nên nhiều trường hợp khi bệnh trở nặng, gây ra các biến chứng nghiêm trọng trẻ mới được phát hiện bệnh và điều trị. Nhưng thời điểm này, bệnh đã có thể diễn tiến các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm bể thận cấp: Đây là bệnh lý cấp tính, biểu hiện là ổ nhiễm trùng đã lan ra các vùng xung quanh với mức độ nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, vẫn có thể điều trị, nếu thuận lợi thì khoảng từ 10-14 ngày là bệnh có thể khỏi.
- Áp xe xung quanh thận: Lúc này tình trạng nhiễm trùng đã diễn tiến thành các ổ áp xe. Khi đó, việc điều trị của trẻ trở nên phức tạp và với thời gian dài hơn. Đặc biệt, người bệnh cần can thiệp dẫn lưu ổ áp xe.
- Nhiễm trùng huyết: Các vi khuẩn từ ổ nhiễm trùng đã lan đến máu. Nếu không được can thiệp kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.
- Suy thận cấp: Tình trạng bệnh khá nghiêm trọng, đặc biệt là thận. Cơ quan này đã bị suy giảm chức năng, không thể lọc máu và loại bỏ các chất độc hại ra ngoài môi trường.
Viêm đường tiết niệu ở trẻ phải làm sao?
Viêm đường tiết niệu nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, đừng chủ quan nếu bé có các biểu hiện bệnh. Khi phát hiện các dấu hiệu này, cha mẹ nên cho bé đi khám tại các cơ sở y tế chuyên môn để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
5. Cách điều trị cho trẻ bị viêm đường tiết niệu
Khi trẻ được chẩn đoán mắc bệnh, bác sĩ thường sẽ chỉ định đơn thuốc điều trị viêm đường tiết niệu cho bé bằng kháng sinh để ngăn ngừa tổn thương thận. Tùy vào loại vi khuẩn và mức độ nghiêm trọng của bệnh, các bác sĩ tiết niệu sẽ xác định loại kháng sinh và thời gian điều trị phù hợp.
Một số loại thuốc kháng sinh phổ biến được sử dụng để điều trị viêm đường tiết niệu ở trẻ em phổ biến như:
- Amoxicillin.
- Amoxicillin và axit clavulanic.
- Cephalosporin.
- Doxycycline (dành cho trẻ trên 8 tuổi).
- Nitrofurantoin.
- Sulfamethoxazole-trimethoprim
Nếu trẻ được chẩn đoán là nhiễm trùng bàng quang đơn giản, có thể sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống tại nhà. Song, với các trường hợp nhiễm trùng nặng, trẻ có thể phải nhập viện để truyền dịch hoặc dùng kháng sinh qua đường tĩnh mạch.
Nếu thấy trẻ thuộc một trong số các trường hợp sau đây, cha mẹ cần đưa trẻ nhập viện ngay:
- Dưới 6 tháng tuổi.
- Trẻ sốt cao khó hạ.
- Bệnh diễn tiến có khả năng bị nhiễm trùng thận, đặc biệt khi trẻ còn nhỏ cần hết sức lưu ý.
- Nhiễm trùng máu do vi khuẩn.
- Mất nước, nôn mửa hoặc không thể dùng thuốc đường uống vì bất kỳ lý do nào khác.
Trong quá trình điều trị tại nhà cho bé, nếu trẻ có các triệu chứng xấu đi hoặc kéo dài hơn 3 ngày hoặc trẻ có các biểu hiện dưới đây, cha mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ:
- Trẻ sốt cao hơn 38,3 độ C.
- Trẻ sơ sinh sốt cao trên 38 độ C kéo dài hơn 3 ngày.
- Quấy khóc, đau đớn.
- Phát ban kèm theo nôn trớ.
- Thay đổi lượng nước tiểu.
Trẻ bị viêm đường tiết niệu điều trị thế nào?
6. Hướng dẫn phòng ngừa viêm đường tiết niệu cho trẻ
Để phòng ngừa viêm đường tiết niệu và hạn chế bệnh biến chứng xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ, cha mẹ nên thực hiện các biện pháp phòng tránh cho bé sau:
- Vệ sinh vùng kín đúng cách: Với trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ vệ sinh vùng kín, nhất là bé gái. Lưu ý nên rửa tay sát khuẩn sạch sẽ trước khi thực hiện, cần vệ sinh từ trước ra sau tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập ngược gây bệnh. Nên hướng dẫn dần dần để trẻ hiểu tầm quan trọng của việc vệ sinh vùng kín cũng như biết cách tự vệ sinh từ sớm.
- Thường xuyên thay bỉm, lau khô và chú ý dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ. Trẻ nhỏ chưa kiểm soát được việc đại tiểu tiện nên trong thời gian sử dụng bỉm, cha mẹ lưu ý thường xuyên thay bỉm, lau khô cho trẻ sau khi vệ sinh. Đồng thời cần thường xuyên quan sát kỹ màu sắc bỉm có bất thường không, có đọng cặn trắng hay dịch nhiễm khuẩn không.
- Nếu trẻ mắc các bệnh về hệ tiết niệu, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời và đúng cách tránh các biến chứng và hậu quả không mong muốn.
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Cần tập thói quen cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, đa dạng với các loại nước canh, nước súp, nước hoa quả bên cạnh nước lọc.
- Khuyến khích trẻ đi tiểu khi có nhu cầu. Nên dặn trẻ không nên nhịn tiểu, có thể tập thói quen đi tiểu đúng giờ để tạo phản xạ tự nhiên.
- Kiểm tra và xử lý hẹp bao quy đầu ở bé trai. Với bé trai, cha mẹ cần kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ bao quy đầu xem trẻ có bị hẹp bao quy đầu không. Hiện tượng phồng bao quy đầu khi trẻ đi tiểu cũng là một dấu hiệu nhận biết bệnh. Nếu trẻ mắc bệnh, nên lưu ý vệ sinh và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị.
Viêm đường tiết niệu ở trẻ em có thể gây ra nhiều khó chịu cho bé. Để cải thiện tình trạng này, cha mẹ nên kết hợp điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ cùng với việc thay đổi một số thói quen sinh hoạt như tăng cường vệ sinh cá nhân cho bé, cho bé uống đủ nước và ăn uống khoa học. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, vì vậy hãy chủ động chăm sóc sức khỏe cho bé.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến bệnh lý viêm đường tiết niệu ở trẻ. Hy vọng với những kiến thức mà chúng tôi vừa cung cấp, cha mẹ đã có thể dễ dàng phát hiện, nhận diện và có các xử lý khi trẻ mắc viêm đường tiết niệu. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến viêm đường tiết niệu ở trẻ, đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi theo số hotline 087 658 8866 để được hỗ trợ sớm nhất.
Bài viết này có hữu ích không?
Để lại một bình luận