Bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là tình trạng suy giảm bài tiết insulin và nồng độ kháng insulin ngoại vi thay đổi dẫn đến tăng đường huyết. Để kiểm soát bệnh hiệu quả, chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì thế, nhiều người đã đặt ra câu hỏi bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để đảm bảo sức khỏe và ổn định đường huyết? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Người bị bệnh tiểu đường nên ăn gì và nên kiêng gì?
1. Nguyên tắc ăn uống cho người bệnh tiểu đường
Để duy trì mức đường huyết luôn ổn định, bệnh nhân tiểu đường cần tuân thủ một chế độ ăn uống khoa học và nghiêm ngặt cũng như tuân thủ những chỉ định của bác sĩ. Một số nguyên tắc ăn uống cho người bệnh tiểu đường bạn có thể áp dụng:
- Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày để tránh tính trạng đường huyết tăng đột ngột.
- Ăn uống điều độ, đúng giờ, không nên để tình trạng quá đói hoặc quá no.
- Trong các bữa ăn hằng ngày không nên thay đổi quá nhanh, quá nhiều về cơ cấu và khối lượng trong các bữa ăn.
- Sau khi ăn cần vận động nhẹ, tránh nằm ngồi 1 chỗ sau ăn.
=> Xem thêm: Dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường
2. Người bệnh tiểu đường nên ăn gì?
Nhiều bệnh nhân bị tiểu đường đến nay vẫn chưa biết mình nên bổ sung những loại thực phẩm nào để giúp bệnh tiến triển tốt. Sau đây là một số gợi ý về các thực phẩm người bệnh tiểu đường nên ăn:
- Nhóm đường bột: bao gồm các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ… được chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng. Nên hạn chế tối đa xào rán. Các loại củ như khoai tây, khoai lang, củ cải… cung cấp khá nhiều tinh bột nên nếu ăn các loại thực phẩm này bệnh nhân nên giảm hoặc cắt hẳn phần cơm trong bữa ăn đó.
- Nhóm thịt cá: Bệnh nhân tiểu đường nên ăn nhiều cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, thịt lọc bỏ mỡ, các loại đậu đỗ… được chế biến đơn giản như hấp luộc, áp chảo nhằm loại bỏ bớt lượng mỡ bên trong.
- Nhóm chất béo, đường: Các thực phẩm có chất béo không bão hòa được ưu tiên hàng đầu trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường như dầu đậu nành, vừng, mỡ cá, dầu cá, dầu olive…
- Nhóm rau: Nên bổ sung nhiều rau trong thực đơn hàng ngày là lời khuyên cho bệnh nhân tiểu đường. Nên ưu tiên việc chế biến hạn chế dầu mỡ như hấp, luộc, rau trộn và không nên sử dụng nhiều các loại sốt có chất béo.
- Hoa quả: Nên bổ sung thêm nhiều loại trái cây tươi trong thực đơn của bệnh nhân tiểu đường. Một số hoa quả tốt cho bệnh tiểu đường như bưởi, cam, táo, lê,… . Hạn chế các loại quả chín ngọt như sầu riêng, hồng chín, xoài chín… Khi chế biến nên hạn chế thêm kem, sữa để tránh tăng đường huyết.
Một số món ăn dành cho người bệnh tiểu đường
Cũng theo Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng trong bữa ăn hàng ngày của người bệnh tiểu đường được xác định cụ thể như sau sẽ rất tốt trong ổn định, điều trị bệnh:
- Protein: lượng protein nên đạt 1- 1,2 g/kg/ngày đối với người lớn, tức là tỷ lệ này nên đạt tương đương 15- 20% năng lượng khẩu phần.
- Lipit: Tỷ lệ chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần, không nên vượt quá 30%. hạn chế các axit béo bão hòa .Điều này giúp ổn định đường huyết, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
- Glucid: Tỷ lệ năng lượng do glucid cung cấp nên đạt từ 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần của người bệnh tiểu đường. Nên chọn lựa loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như : Gạo lứt, bánh mì đen,yến mạch, các loại đậu nguyên hạt…
3. Người bệnh tiểu đường nên kiêng ăn gì?
Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân tiểu đường cũng nên kiêng ăn hoặc tránh các loại thực phẩm sau đây để bệnh sớm đạt kết quả tốt.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu tinh bột như gạo trắng, bánh mì, miến, bột sắn dây, các loại củ nướng.
- Hạn chế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, nhiều cholesterol như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt da cầm tối màu, lòng đỏ trứng… các loại thịt chế biến sẵn như thịt hộp, thịt nguội…
- Bệnh nhân tiểu đường nên tuyệt đối tránh thịt lợn mỡ, nội tạng động vật, da của gia cầm, kem tươi, dầu dừa, các loại bánh kẹo ngọt, mứt, siro và các loại nước có ga…
- Hạn chế tối đa các loại hoa quả sấy, chè, mứt hoa quả… bởi các loại này chứa một lượng đường rất cao dễ dàng đẩy đường huyết tăng lên.
Những thực phẩm người bệnh tiểu đường nên hạn chế hoặc tránh
4. Những lưu ý trong chế độ ăn hàng ngày cho người tiểu đường
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường. Một chế độ ăn cân bằng, hợp lý sẽ giúp ổn định đường huyết, giảm nguy cơ biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Những lưu ý trong chế độ ăn hằng ngày cho người tiểu đường sau đây sẽ giúp ích cho bạn!
- Kiểm soát lượng carbohydrate: Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều, đường huyết sẽ tăng cao. Người bệnh tiểu đường nên chọn các loại carbohydrate phức hợp như gạo lứt, bánh mì nguyên cám, khoai lang… vì chúng được cơ thể hấp thụ chậm hơn, giúp đường huyết ổn định.
- Hạn chế đường và đồ ngọt: Đường và đồ ngọt làm tăng đường huyết nhanh chóng. Nên hạn chế tối đa việc sử dụng đường, kẹo, nước ngọt, bánh ngọt…
- Tăng cường chất xơ: Chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu, giúp ổn định đường huyết. Các nguồn chất xơ phong phú bao gồm rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
- Chọn protein lành mạnh: Protein giúp no lâu và hỗ trợ quá trình phục hồi cơ bắp. Nên chọn các loại protein từ thịt nạc, cá, trứng, đậu đỗ.
- Hạn chế chất béo: Chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, có thể làm tăng cholesterol xấu trong máu và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Ăn đều đặn: Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để tránh tình trạng đường huyết tăng cao hoặc giảm đột ngột.
- Uống đủ nước: Nước giúp loại bỏ đường dư thừa qua đường tiểu. Nên chia nhỏ các lần uống và rải rác trong ngày, tránh uống nhiều nước vào buổi tối và trước khi đi ngủ để bàng quang không phải hoạt động quá mức.
- Theo dõi khẩu phần ăn: Ghi lại những gì mình ăn uống để dễ dàng theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn nếu cần. Điều này là vô cùng quan trọng với bệnh nhân tiểu đường. Nó giúp theo dõi xem bệnh nhân đã ăn gì, uống gì để có sự điều chỉnh phù hợp nếu đường huyết thường xuyên tăng cao.
Ngoài ra, người bệnh tiểu đường nên kiểm tra đường huyết thường xuyên sẽ giúp theo dõi mức đường huyết và điều chỉnh chế độ ăn nếu cần. Tham gia các lớp học về dinh dưỡng cho người tiểu đường để hiểu rõ hơn về chế độ ăn và cách kiểm soát bệnh. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè giúp bạn vượt qua những khó khăn trong quá trình điều trị.
Trên đây là thông tin về những thực phẩm bệnh tiểu đường nên ăn và không nên ăn để duy trì mức đường huyết ổn định và mang lại kết quả điều trị tốt nhất. Bạn có thể sử dụng các thực phẩm nên kiêng nhưng ở mức độ phù hợp và hãy nhớ cắt đi phần tinh bột trong bữa ăn để đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng. Ngoài ra, khi có bất kỳ vấn đề nào trong quá trình ăn uống và điều trị, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bài viết này có hữu ích không?
Trả lời